| 21-03-2023 | 08:51:28

Khai thác lợi thế, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

 Nhằm xây dựng TP. Thuận An trở thành trung tâm đô thị dịch vụ, phát triển theo hướng văn minh giàu đẹp, hướng đến trở thành thành phố thông minh, thời gian tới thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, khai thác, phát huy tối đa các lợi thế triển khai xây dựng đô thị ven sông, đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng.

 Thời gian tới, TP.Thuận An sẽ huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong ảnh: Một góc đô thị Thuận An hôm nay

 Phát triển đô thị ven sông

Sông Sài Gòn chảy qua địa phận TP.Thuận An có chiều dài khoảng 13,6km qua xã An Sơn và các phường Bình Nhâm, Lái Thiêu, Vĩnh Phú. Theo quy hoạch đô thị Thuận An, tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ cầu Bà Lụa (TP.Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình, giáp TP.Hồ Chí Minh, tổng chiều dài toàn tuyến trên 13km.

Hiện nay, nhiều dự án đã được triển khai dọc sông Sài Gòn như khu nhà ở tái định cư An Sơn, khu nhà ở cao tầng Eden - Thuận An, công viên ven sông Sài Gòn. Thời gian qua, nhiều tuyến giao thông ven sông Sài Gòn trên địa bàn TP.Thuận An đã được cải tạo, nâng cấp. Một số cảng thủy nội địa, bến hành khách, bến hàng hóa đã được xây dựng dọc sông Sài Gòn tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của người dân.

Theo định hướng tổ chức không gian trục cảnh quan ven sông Sài Gòn trong quy hoạch, hành lang ven sông Sài Gòn từ cầu Vĩnh Bình, phường Vĩnh Phú tới cảng An Sơn được quy hoạch là trục cảnh quan quan trọng của thành phố. Hành lang ven sông Sài Gòn sẽ kết nối với các trục đường chính đô thị của thành phố, của tỉnh và kết nối với TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời, dọc hành lang sẽ hình thành 6 bến thủy nội địa. Tại các bến sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ cộng đồng…

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Thuận An là một đô thị nén, mật độ dân số rất cao. Hiện nay, ven sông Sài Gòn còn rất nhiều dự địa phát triển như Hưng Định, Bình Nhâm, An Sơn. Do đó, việc triển khai xây dựng đô thị ven sông Sài Gòn là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển, nâng tầm đô thị của TP.Thuận An”.

Đầu tư hạ tầng giao thông đô thị

Nhằm hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I, thời gian tới TP.Thuận An đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đô thị, bảo đảm tính chất kết nối vùng, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm tính đồng bộ.

Năm 2023, TP.Thuận An có 8 dự án từ nguồn vốn của tỉnh, trong đó 5 dự án đang được triển khai thực hiện; 12 dự án từ nguồn vốn xổ số kiến thiết, 6 dự án từ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ cấp huyện; 47 dự án từ nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí. Trong đó, 24 dự án đang thực hiện chủ yếu là các công trình hạ tầng giao thông như dự án nâng cấp, mở rộng đường Trịnh Hoài Đức, xây dựng đường kênh T3, xây dựng mới tuyến đường An Thạnh 51 (đoạn từ đường Nguyễn chí Thanh đến đường Thạnh Bình); đầu tư mở rộng đường ranh Lái Thiêu - Bình Nhâm (nối với đường ven sông Sài Gòn)…

Ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết thêm: “Nhằm xây dựng TP.Thuận An trở thành trung tâm đô thị dịch vụ, phát triển theo hướng văn minh giàu đẹp, thời gian tới thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng. Song song đó, thành phố tập trung chỉnh trang, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I theo mục tiêu kế hoạch”.

Tại hội thảo giữa kỳ về quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gợi ý về quy hoạch phát triển đô thị, theo ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, quy hoạch cần đề ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương phải cơ bản trở thành thành phố thông minh và cơ bản đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương. Trong đó, xác định đô thị Thuận An là đô thị cửa ngõ của Bình Dương nối với TP.Hồ Chí Minh, chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư, chỉnh trang, nâng tầm chất lượng đô thị phải hướng đến đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nơi đáng sống, đặc biệt không để hình thành “ổ chuột” trong lòng đô thị. Đến năm 2025 phải xóa các ngõ, hẻm đường đất, sỏi đỏ chưa được liên thông và các dân cư chưa đáp ứng các điều kiện hạ tầng, đáp ứng đủ chỉ tiêu phát triển nhà ở theo dự báo quy mô dân số theo từng giai đoạn.

 Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An: “Để cơ sở hạ tầng đạt các tiêu chí đô thị loại I, thời gian tới, TP.Thuận An chú trọng phát triển đô thị ven sông, từng bước đầu tư các dự án theo hướng hiện đại, đặc biệt dự án hạ tầng giao thông đô thị, có hệ thống điện ngầm, sử dụng đèn công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng; tiếp tục đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tăng tỷ lệ cây xanh, chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cáp viễn thông, cải tạo và xây dựng một số hoa viên, công viên, tiểu công viên trên địa bàn các xã, phường từ quỹ đất công chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả”.

 PHƯƠNG LÊ - DƯƠNG HUYỀN

Chia sẻ