| 10-10-2022 | 09:42:05

Kiến tạo xã hội số

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược về chuyển đổi số (CĐS). Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta về CĐS trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. CĐS không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế với mục tiêu để kiến tạo xã hội số.

CĐS tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững. Do vậy, CĐS là nhiệm vụ cần sự vào cuộc và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ. Nói rộng hơn, CĐS còn là cuộc cách mạng của toàn dân. CĐS chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại.

Cách đây 6 năm - năm 2016, Bình Dương đã phê duyệt đề án xây dựng “Thành phố thông minh Bình Dương” nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội đưa Bình Dương phát triển lên một tầm cao mới. Năm 2021, Bình Dương được vinh danh TOP 7 Cộng đồng thông minh thế giới. Năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 21 cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu. Tháng 4-2022, Bình Dương đưa Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) vào hoạt động. IOC là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp lãnh đạo giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy, quản lý chất lượng dịch vụ đô thị một cách hiệu quả. Có thể nói, IOC là một bước kế thừa các kết quả đã đạt được trong việc xây dựng chính quyền điện tử, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình thực hiện CĐS, xây dựng đô thị thông minh ở Bình Dương.

Hiện tại, các sở ngành, cơ quan đang thực hiện CĐS với yêu cầu phải thực chất, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, cộng đồng phải được thụ hưởng từ những kết quả thực hiện CĐS như mục tiêu của Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 19- 5-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của các sở ngành, cơ quan là đẩy mạnh CĐS với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng; thay đổi cách sống, làm việc của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển theo hướng tối ưu hóa, thông minh hóa, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

NHẬT HUY

Chia sẻ