| 16-07-2012 | 00:00:00

Nên mừng hay lo?

Những con số được nêu bất chợt trên bỗng làm người xem giật mình! Giật mình bởi trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế mà người dân vẫn không ngừng uống bia, rượu, thậm chí còn uống nhiều. Điều đó có nghĩa, các khoản chi cho ăn nhậu mà một phần trong đó là lãng phí trong thời gian qua vẫn không hề giảm. Vì sao kinh tế khó khăn mà người dân vẫn không ngại chi tiền để “rót” bia, rượu? Những người “uống” nhiều bia, rượu ấy là ai? Tỷ lệ cán bộ - công chức đi nhậu trong giờ làm chiếm bao nhiêu phần trăm?... Hàng loạt những câu hỏi có ngay đáp án không khỏi khiến chúng ta phải băn khoăn, suy nghĩ.

Còn nhớ, cách đây ít năm có một “tổng kết” đã từng làm nhiều người sửng sốt, đó là người dân Việt Nam uống bia, rượu vào loại “top ten” trên thế giới và đứng thứ nhất, nhì khu vực Đông Nam Á lẫn châu Á. Mức tiêu thụ bia, rượu mỗi năm ở Việt Nam hiện đã tính đến đơn vị bằng tỷ lít; bình quân đầu người uống đến 24 lít bia/năm, chỉ xếp sau Nhật hoặc Trung Quốc. Đến nỗi, ông chủ hãng bia Heineken cũng phải kinh ngạc khi biết rằng, thị trường Việt Nam tiêu thụ đến trên 200 triệu lít bia của hãng này mỗi năm, chỉ sau Mỹ và Pháp trong tổng số 170 thị trường toàn cầu. Bởi thế nên Heineken đã “thừa thắng xông lên”, mạnh dạn đặt mục tiêu đến năm 2015 Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới!

Tác hại của bia, rượu đối với sức khỏe con người và những hệ lụy của nó đối với gia đình, xã hội là rất rõ ràng, thế nhưng qua nhiều biện pháp ngăn chặn, hậu quả do bia, rượu gây ra vẫn không dừng lại. Hàng loạt biện pháp như tăng cường tuyên truyền, xử phạt nặng nếu điều khiển xe lưu thông mà có nồng độ cồn vượt quá quy định, đề xuất cấm cán bộ - công chức “nhậu” trong giờ nghỉ trưa, xét nghiệm nồng độ cồn trong máu để căn cứ tính hay không tính bảo hiểm y tế cho người bị tai nạn giao thông... vẫn chưa giúp giảm đáng kể tỷ lệ tai nạn giao thông, các vụ án mạng, ẩu đả... do say xỉn. Tình trạng cán bộ - công chức la cà nơi quán nhậu ngay trong giờ làm việc cũng chưa được xử lý triệt để...

Uống bia, rượu khi giao tiếp được xem là một tập tục lâu đời ở nước ta. Bản thân tập tục này không xấu nếu nó được vận dụng phù hợp hoàn cảnh và các chuẩn mực, các quy định. Nhưng với thực tế như thời gian qua thì có vẻ như đà tăng tốc ào ào về doanh số bia, rượu không làm xóa đi nỗi âu lo về những mặt trái mà bia, rượu gây ra cho xã hội.

Q.MINH

Chia sẻ