| 14-06-2012 | 00:00:00

Nhà báo phải biết tự bảo vệ mình!

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” do Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tại TP.HCM vừa tổ chức, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn cho biết, trong 5 năm trở lại đây, cả nước có hơn 40 vụ nhà báo bị xâm phạm và bị cản trở khi tác nghiệp, nhất là những nhà báo viết về mảng chống tiêu cực. Và chỉ tính riêng trong tháng 6 này, đã có đến 6 vụ. Do đó, vấn đề bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo cần được đặt ra nghiêm túc để các nhà báo không thấy đơn độc trên con đường đấu tranh chống tiêu cực...

Phân tích nguyên nhân, nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng những vụ việc đã xảy ra cho thấy các đối tượng hành hung, ngăn cản nhà báo tác nghiệp vì họ sợ báo chí đưa ra ánh sáng những sai phạm, từ đó họ bất chấp mọi thủ đoạn để bảo vệ quyền lợi, uy tín của họ nên nhà báo nhiều lúc gặp nguy hiểm. Còn theo ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM: Những nhà báo bị cản trở, hành hung trong lúc tác nghiệp là do nhóm lợi ích sợ công khai hóa các sai phạm của họ”. Dưới góc độ pháp luật, tiến sĩ Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tại TP.HCM, cho rằng: Khi một nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật mà bị cản trở hoặc bị hành hung, cơ quan bảo vệ pháp luật phải nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm, đúng pháp luật, nếu không sẽ còn diễn ra nhiều vụ tương tự.

3 nhóm vấn đề trọng tâm để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo đã được nêu ra tại buổi tọa đàm và nhận được sự đồng thuận cao. Thứ nhất, cần bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, hành vi ngăn cản, tấn công nhà báo đang tác nghiệp đúng pháp luật phải bị xem là hành vi chống người thi hành công vụ. Thứ hai, theo luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM), dựa trên các văn bản pháp luật sẵn có, Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các địa phương cần nhanh chóng xây dựng quy chế liên quan đến hoạt động tác nghiệp để làm chuẩn, giúp các nhà báo dựa vào đó để tác nghiệp không vi phạm pháp luật, trong đó cần phân biệt trong trường hợp nào nhà báo được “đóng vai” để lấy thông tin; trường hợp nào được ghi âm, chụp hình và tài liệu đó có được xem là hợp lý, hợp pháp vì thực tế hiện nay không có chuẩn nào để phân biệt. Thứ ba, bản thân từng nhà báo phải tự trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng tác nghiệp, phải đưa thông tin đúng và chính xác sự thật, đây là vũ khí mạnh nhất để nhà báo tự bảo vệ mình.

Hiện nay, ngoài hành lang bảo vệ quyền pháp lý cho nhà báo tại nước ta còn lỏng lẻo, việc xử lý những người cản trở việc tác nghiệp của nhà báo chưa nghiêm khắc, thì việc nhà báo còn thiếu kinh nghiệm trong khi tác nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà báo bị cản trở, hành hung, đánh đập khi tác nghiệp ngày càng nhiều. Để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, xã hội và các cơ quan quản lý báo chí phải có trách nhiệm, bên cạnh đó Nhà nước cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến việc hành nghề của nhà báo. Còn các nhà báo cũng phải biết tự bảo vệ bản thân mình.

 

NHẬT HUY

 

 

Chia sẻ