| 22-04-2013 | 00:00:00

Những nụ cười công vụ!

Được biết mới đây, tại buổi tọa đàm “văn hóa giao tiếp, ứng xử” do Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt tổ chức, đại diện CSGT các tỉnh, thành cho biết: Những năm qua, trên mặt trận bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ bị “chống cự” lại nhiều nhất mà nguyên nhân một phần là do hành vi ứng xử thiếu văn hóa, chưa chuẩn mực của một bộ phận CSGT ở các địa phương. Có lẽ nhận xét này là không quá đáng khi liên hệ lại thực tế thời gian qua!

Mặc dù, cũng có nhiều trường hợp người dân đã vi phạm luật giao thông còn cự cãi, chống đối lại ngành chức năng, nhưng khi nhận xét về lực lượng CSGT nhiều người đã thẳng thắn cho biết: hành vi giao tiếp, ứng xử của một bộ phận CSGT thể hiện rõ sự thiếu văn hóa, thậm chí hách dịch, quan liêu kiểu bề trên hoặc gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi lỡ vi phạm luật giao thông. Ở một số địa phương, không ít CSGT thoái hóa, biến chất làm luật, đòi tiền mãi lộ của các tài xế đường dài hoặc nhũng nhiễu để vòi tiền người dân… đã bị báo chí phanh phui, ngành chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm khắc. Nhờ vậy nên tình trạng này đến nay đã hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn phản ảnh là hiện nay thái độ, hành vi của CSGT khi tiếp xúc, xử phạt người vi phạm vẫn còn nhiều chuyện đáng phê phán, nhất là sự gần gũi, cởi mở và nụ cười của họ hình như rất hiếm… mà nếu không cải thiện thì niềm tin và hình ảnh đẹp đẽ của những chiến sĩ CSGT trong mắt người dân sẽ ngày càng bị lu mờ…

Mới đây, Phòng CSGT Công an TP.HCM đã mở lớp “học cười và nói lời xin lỗi người dân khi xử phạt” cho gần 1.500 lượt CSGT trực tiếp tuần tra, xử phạt, tiếp xúc với người vi phạm. Còn CSGT Hà Nội thì thực hiện chủ trương: mỗi CSGT khi thi hành nhiệm vụ sẽ luôn đặt trong túi một cuốn cẩm nang về cách hành xử với người dân và sẽ thực hiện 8 bước để thay đổi hình ảnh của CSGT thủ đô, trong đó có việc bổ sung các nữ CSGT, điều chuyển những nam CSGT béo bụng làm công việc khác, nhằm giảm bớt áp lực trong quá trình giao tiếp giữa người thực thi công vụ với người dân. Bên cạnh đó là tăng cường các tổ thanh, kiểm tra để giám sát tác phong của CSGT, xử phạt những CSGT có thái độ không chuẩn mực hoặc làm không đúng quy trình… đã được dư luận quan tâm, ủng hộ.

Những năm gần đây, chúng ta vẫn nghe nói đến những từ văn hóa công sở, nụ cười công sở, văn minh thương mại… để nói về sự thay đổi hành vi, thái độ, cung cách phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên các cơ quan công quyền, các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… thì những nụ cười tươi tắn, những lời xin lỗi hoặc cám ơn của cán bộ, chiến sĩ CSGT khi thi hành công vụ thiết nghĩ cũng thật cần thiết trong việc góp phần giữ gìn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện nay.

Dù cũng có nhiều ý kiến cho rằng: bụng to hay nhỏ cũng không quan trọng bằng hành vi, thái độ cư xử, CSGT chỉ tập “cười” không vẫn chưa đủ vì để xây dựng được hình ảnh đẹp, có văn hóa… thì người CSGT cần phải có nghiệp vụ, kỹ năng tốt, thái độ thân thiện, được đào tạo bài bản từ trong nhà trường và phải được giám sát kỹ khi họ thi hành công vụ… Song, với những nụ cười thân thiện, cởi mở, những lời “xin lỗi, vui lòng cho tôi xem giấy tờ xe”, “xin lỗi, bạn đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ…”… sẽ làm người dân dù bị xử phạt vẫn vui vẻ, nhận ra lỗi vi phạm của mình và cảm thấy thoải mái hơn. Và thiết nghĩ, việc làm này của CSGT TP.HCM và Hà Nội cần được nhân rộng ra các tỉnh, thành khác để thiết thực góp phần hạn chế được những vụ chống người thi hành công vụ và lực lượng CSGT ngày càng thân thiện hơn, trở thành người bạn đường của mỗi người dân!

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ