| 22-02-2012 | 00:00:00

“Phòng dịch hơn là dập dịch”

Bình Dương tuy chưa phát hiện ổ dịch như một số địa phương khác nhưng chủ động ứng phó là việc không bao giờ thừa, đừng để “Nước tới chân rồi mới nhảy”. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh thì công tác ngăn phòng là tốt nhất, muốn làm được tốt thì phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp cùng lúc từ tư tưởng cho tới hành động: Thứ nhất, cần nỗ lực tuyên truyền về nguy cơ của dịch bệnh, tránh tư tưởng chủ quan trong cộng đồng dân cư, hệ thống báo chí, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ y tế và cán bộ cơ sở phải là đội ngũ xung kích trong tuyên truyền phòng chống dịch, phải làm cho mọi người dân dù ít nhiều cũng phải hiểu về nguy cơ dịch cúm gây nguy hại cho sức khỏe và kinh tế. Trong công tác tuyên truyền nên đặt nặng việc chống tâm lý thờ ơ, xem thường dịch ở một bộ phận người dân, nhất là các đối tượng chăn nuôi và mua bán gia cầm. Thứ hai, kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở chăn nuôi về vệ sinh chuồng trại, về quy trình phòng chống dịch, đầu mối nhập nguyên liệu gia cầm từ các nơi về Bình Dương. Thứ ba, kiên quyết xử lý các sai phạm về vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, nhất là gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc...

Bình Dương là địa phương đang phát triển, mật độ dân số cao, khu tập trung dân cư đông đúc sẽ là nơi dễ phát sinh các loại dịch bệnh, việc phòng chống dịch bệnh nên đặt lên trọng tâm hàng đầu, muốn thực hiện tốt việc này nên lấy dự phòng là chính, các cấp, các ngành và mỗi người dân phải luôn có ý thức và trách nhiệm cao, không nên chỉ giao khoán cho ngành thú y. Phải thực hiện tốt phương châm “Phòng dịch hơn là dập dịch”.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ