| 15-09-2023 | 09:40:21

Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực

9 tháng năm 2023, sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực theo mức độ tăng cao dần. Với mức độ hồi phục tiếp tục tăng dần ở những tháng cuối năm đem lại nhiều hy vọng cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

 Trong khó khăn, các DN tại Bình Dương vẫn nỗ lực duy trì hoạt động. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cicor Việt Nam, KCN VSIP I (TP.Thuận An)

 Chủ động tìm cơ hội

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, kinh tế - xã hội tỉnh phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I tăng 1,71%, quý II tăng 5,73%, quý III tăng 7,0% so với cùng kỳ. Theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8-2023 trên địa bàn tỉnh ước tăng 1,1% so tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2% so tháng trước.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn nỗ lực phấn đấu, nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động tìm cơ hội phục hồi, phát triển. Theo đó, các DN linh hoạt tìm cách tái cơ cấu sản xuất, tìm kiếm sản phẩm và thị trường mới để mở rộng hoạt động… Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm nhưng toàn tỉnh vẫn duy trì xuất siêu ở mức cao.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại: “Bộ Công thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước. Đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ DN ứng phó với các rào cản thương mại.

Theo ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh, dù đơn hàng gặp nhiều khó khăn nhưng DN nỗ lực đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, nghiên cứu những dòng hàng mới phù hợp với xu thế tiêu dùng của thị trường Mỹ, châu Âu. Tại Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, dù hàng tồn kho vẫn nhiều nhưng công ty vẫn cố gắng cập nhật xu hướng tiêu dùng, nghiên cứu, sản xuất các mẫu mã mới, chủng loại mới để phát triển và giữ vững thị trường.

Theo ông Nguyễn Trọng Luật, Giám đốc Công ty Cicor Việt Nam (KCN VSIP I), thực tế cho thấy, chỉ có DN mới biết cần gì nhất, nên chính DN phải chủ động nắm bắt cơ hội, tìm lối ra trong những khó khăn. “Tháng 6-2023, Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) đã khánh thành nhà máy tại VSIP I, sản xuất các sản phẩm bán thành phẩm điện tử, cơ điện để xuất khẩu. Với lần tăng vốn này, tập đoàn nâng vốn đầu tư tại Bình Dương lên 15 triệu đô la Mỹ. Công ty Cicor đang tăng cường uy tín của sản phẩm, mở rộng thị trường, thành lập một đội ngũ kỹ thuật chuyên môn sẽ làm việc phối hợp chặt chẽ với đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển) tại trụ sở chính Bronschhofen (Thụy Sĩ) để đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng nhanh chóng của khách hàng về việc phát triển các thiết bị điện tử chất lượng cao”, ông Nguyễn Trọng Luật cho biết.

Linh hoạt điều hành

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 diễn ra trong bối cảnh lạm phát ở nhiều nước trên thế giới tăng cao và kéo dài, giá nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu tăng mạnh, nhu cầu thị trường có xu hướng hồi phục nhưng không ổn định. Để giúp DN vượt qua khó khăn, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ, nhất là các chính sách về thuế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế, triển khai các giải pháp hiệu quả để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Qua đó giải phóng năng lực sản xuất của các DN trong tỉnh để gia tăng hơn nữa mức tăng trưởng bởi đây là ngành chủ đạo, dẫn dắt toàn ngành công nghiệp.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, công nghiệp Bình Dương thật sự có một nền tảng vững vàng cả đối với thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, các DN càng phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn và đổi mới sáng tạo hơn để thực sự phát triển. Hiện động lực và dư địa cho các DN phát triển vẫn còn, nhất là nhờ vào những chính sách hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường hay từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia. Do đó, cộng đồng DN nói chung cần xác định cụ thể các thách thức, cơ hội để đưa ra các giải pháp phát triển.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, có kế hoạch, thời hạn cụ thể hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Tạo thuận lợi cho DN, người dân theo kế hoạch UBND tỉnh, các nghị quyết của Chính phủ đã ban hành, nhất là trong năm 2023 một cách thực chất, hiệu quả để người dân, DN được hỗ trợ, thụ hưởng thật sự.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ