| 27-10-2022 | 08:41:13

Tác động nhiều mặt từ tăng trần lãi suất

Sau hơn 20 tháng lãi suất điều hành được duy trì ổn định để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nâng trần lãi suất điều hành. Đây là quyết định cần thiết để kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên tỷ giá và cải thiện tính thanh khoản của ngân hàng. Ngay sau khi có quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại trong nước đã đồng loạt nâng trần lãi suất huy động và rục rịch tăng lãi suất cho vay. Điều này tuy mang đến niềm vui cho người gửi tiền, nhưng lại khiến không ít người đi vay lo lắng!

Tại cuộc họp chuyên đề của Chính phủ vào cuối tháng 9 vừa qua, người đứng đầu NHNN khẳng định đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, nên NHNN sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng “ổn định không có nghĩa là cố định” mà phải theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình. Vấn đề “theo sát diễn biến” mà người đứng đầu NHNN đề cập chính là lạm phát toàn cầu hiện đang ở mức cao, đồng đô la Mỹ lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Việc NHNN tiếp tục nâng trần lãi suất điều hành sẽ tác động nhiều mặt lên nền kinh tế, nhưng không ngoài mục đích ổn định kinh tế vĩ mô.

Đơn cử đối với thị trường bất động sản, quyết định nâng trần lãi suất điều hành của NHNN sẽ là biện pháp để “dẹp loạn” nạn đầu cơ, từng bước đưa bất động sản về giá trị thật. Theo thống kê sơ bộ từ các ngân hàng thương mại, hiện có đến 70% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng là bất động sản, nếu cho vay ồ ạt và khi giá bất động sản bị đẩy quá cao, bản thân các ngân hàng sẽ là bên chịu nhiều rủi ro khi thị trường gặp biến động... Ngay sau khi NHNN chính thức có văn bản thông báo về việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, nhiều nhà đầu tư thứ cấp vốn phụ thuộc tài chính vào nguồn vay ngân hàng đã phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh, trả nợ để không rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Đối với người gửi tiền, cùng một khoản tiền gửi như trước đây, khi nâng trần lãi suất huy động, người gửi tiền có thêm một khoản tiền lãi. Đây là động thái tích cực nhằm giúp hệ thống ngân hàng tăng huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, từ đó tăng tính thanh khoản cho ngân hàng. Ngược lại, đối với người vay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang “khát vốn”, việc nâng trần lãi suất điều hành sẽ tác động làm tăng chi phí tài chính, giảm sức cạnh tranh. Để phát triển bền vững, doanh nghiệp buộc phải cấu trúc lại hoạt động, sử dụng vốn tiết kiệm, thường xuyên đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tích cực hơn.

Mặc dù tác động nhiều mặt đối với nền kinh tế kể cả tích cực lẫn tiêu cực, tuy nhiên động thái nâng lãi suất điều hành của NHNN được đánh giá là kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường tài chính quốc tế. Động thái này là cần thiết không chỉ để kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên tỷ giá mà còn để cải thiện tính thanh khoản của ngân hàng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

LÊ QUANG

Chia sẻ