| 04-01-2020 | 07:00:16

Tăng chế tài, điều chỉnh hành vi

Bước vào đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm, những ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông trong tỉnh đã đồng loạt triển khai tuần tra, xử lý các vi phạm về an toàn giao thông. Đặc biệt, trong đợt ra quân này, điểm đáng chú ý là lực lượng chức năng sẽ quyết liệt xử lý vấn nạn “ma men” khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Chính phủ ban hành ngày 30-12-2019, đã chính thức có hiệu lực từ 1-1-2020.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Cùng với luật này, Nghị định 100/2019/NĐ-CP đưa ra mức xử phạt rất nặng cho các hành vi sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Cụ thể, hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 - 600.000 đồng...

Thực tế cho thấy, uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao hơn rất nhiều so với bình thường. “Ma men sau tay lái” qua các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã trở thành một nỗi ám ảnh nhức nhối chung của toàn xã hội. Mặc dù khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” được tuyên truyền khắp nơi nhưng để điều này đi vào cuộc sống, vào trong ý thức của mỗi người, bên cạnh công tác truyền thông, cần phải có quy định và chế tài đủ mạnh nhằm điều chỉnh hành vi, hình thành thói quen không uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Và, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, Nghị định 100/2019/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã đáp ứng được yêu cầu này.

Tăng chế tài xử phạt, điều chỉnh hành vi trong cuộc đấu tranh, xử lý vấn nạn “ma men” khi tham gia giao thông là một biện pháp cần thiết, được đông đảo dư luận người dân đồng tình. Quy định, chế tài đủ sức răn đe đã có, việc cần làm ngay là phải tăng cường tuần tra, vừa xử lý vi phạm, vừa tuyên truyền để khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” thực sự đi vào cuộc sống. Kiên quyết chống “ma men” khi tham gia giao thông cũng chính là một hành động nhằm bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng, tài sản và mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người.

 ĐÀM THANH

Chia sẻ