Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong cuộc “trở mình”, cù lao Thạnh Hội (xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên), mảnh đất nằm giữa bốn bề sóng nước vẫn giữ được những trầm tích văn hóa nông thôn mộc mạc, với những cánh đồng rau xanh mướt… Nông dân cù lao hiện tại đang vui mừng với câu chuyện nhãn hiệu rau tập thể Thạnh Hội.
Lãnh đạo địa phương đón nhận nhãn hiệu tập thể “Rau Thạnh Hội”
1. Qua cầu Thạnh Hội, người đi như đang tìm về một không gian thôn dã đúng nghĩa, nơi đó có những cánh đồng rau xanh mướt, đất đai thơm mùi mạ mới, đường làng bóng loáng với những khóm hoa đủ sắc màu… Khác với khoảng không gian náo nhiệt đậm màu công nghiệp phía bờ đối diện, từ cầu Thạnh Hội đi vào cù lao Rùa (Thạnh Hội) là một khoảng không gian yên ả lạ thường. Thạnh Hội không có cao ốc, nhà hàng máy lạnh, khách sạn... chỉ có những con đường quê trầm mặc, sông nước vỗ sóng rì rào...
Chúng tôi tìm vào nhà anh Nguyễn Văn Quý khi anh đang mồ hôi nhễ nhại chất củi đốt hơi cho mẻ nấm hữu cơ. Quẹt vệt mồ hôi chảy tràn trên mặt, anh kể cù lao Thạnh Hội trước kia vốn là cánh đồng bạt ngàn lúa và rau củ quả, được ngăn cách bởi các đường nội đồng, bờ bao bằng đất tạm bợ. Thuở ấy trồng rau chỉ là tự cung tự cấp. Rồi phong trào trồng rau trên xứ này nở rộ từ những năm 90. Và cũng ngần ấy thời gian, hai ba thế hệ gia đình anh Quý sống bằng nghề trồng rau với điều đau đáu trong tận đáy lòng phải hiểu và thương đất. Gia đình anh mò mẫm những loại rau phù hợp với thổ nhưỡng của cù lao, gắn bó với nghề ngót nghét cũng hơn 20 năm. Sống được với nghề trồng rau dẫu không khá giả gì nhưng cũng như bao người nông dân Thạnh Hội, cây lúa, luống rau đã trở thành máu mủ thân thương.
Cô Phụng bên đám ruộng bạc hà nhà mình
Dẫn chúng tôi ra vườn cải xanh ngát, tay mân mê từng thớ đất, ngọn rau, anh Quý tự hào giới thiệu: “Thạnh Hội là một xã cù lao có vùng đất phù sa cổ, có mạch nước ngầm tốt đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, còn có sông Đồng Nai bao quanh và có rạch Ông Gương chạy sâu vào giữa cánh đồng nên rất thuận lợi cho việc tưới tiêu. Đất đai bằng phẳng, ít bị thiên tai, bão lũ. Ngày nay, lại có đường giao thông nội đồng thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và vật tư nông nghiệp trong sản xuất, người dân có điều kiện hơn trong việc bám đất, giữ nghề”.
Và rồi, với xu thế hội nhập hiện nay, để ổn định về giá sản phẩm nông nghiệp cũng như ổn định thu nhập từ cây rau, sản phẩm phải đạt chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ nhận thức ấy, anh Quý liên tục tham gia các lớp tập huấn để tiếp cận với cách thức canh tác mới, hướng tới sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường tiêu dùng.
Anh Quý cho biết sau khi được chọn để triển khai thí điểm sản xuất rau an toàn, tập quán canh tác của nông dân xã Thạnh Hội có nhiều thay đổi so với trước. Từ việc sử dụng thuốc, phân bón hóa học nay chuyển sang dùng thuốc, phân bón sinh học, ý thức về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi người dân được nâng cao. Tất cả người trồng rau thực hiện đúng, đầy đủ quy trình sản xuất, từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch theo quy định. “Khi có sâu bệnh chúng tôi áp dụng thuốc trừ sâu sinh học, tự chế thuốc thảo mộc từ rượu, gừng tỏi ớt để bón cho rau. Càng ngày, chúng tôi càng hiểu hơn việc trồng trọt phải gắn với bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bản thân gia đình mình và giữ xanh cù lao Thạnh Hội…”, anh Quý hồ hởi nói.
2. Rời nhà anh Quý, chúng tôi tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Phụng. Cô Phụng tiếp chúng tôi trong tâm trạng phấn khởi khi nông dân cù lao được đón nhận danh hiệu tập thể “Rau Thạnh Hội”. Tay cắp nón, chân bước thoăn thoắt về phía ruộng nhà và cô kể rằng, những mảnh ruộng rau nuôi 4 người con ăn học thành nghề. Cùng với đó là chứng kiến bao sự thay đổi của gia đình, của quê hương mình. Mỗi ngày ra ruộng cô lại vui mừng khi giữ được không gian xanh, mát mẻ của vùng sông nước mà ông cha để lại. Bỏ lại những ồn ào náo nhiệt, mỗi ngày cô Phụng vẫn dày công với từng luống rau như chính tình yêu người nông dân dành cho đất, cho nước. “Mỗi lần dùng thuốc gì cho rau, cô cũng hỏi cặn kẽ xem thuốc ấy có hại gì cho đất, cho người… Làm sao để mỗi người khi dùng đến rau Thạnh Hội đều an toàn, Thạnh Hội vẫn mát xanh”, cô hồ hởi tâm tình.
Hiện nay, người dân luôn đổi mới tư duy, tìm hiểu, thử nghiệm những loại cây trồng phù hợp. Phát huy sự “tương thân, tương ái”, nông dân xã cù lao lại chia sẻ cho nhau kinh nghiệm, đầu mối tiêu thụ để phát triển cây bạc hà và đã đem lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cái khó khăn lớn nhất của vùng chuyên canh trồng rau này là vẫn chưa có được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để giá trị nông sản được nâng lên. Bên cạnh đó còn phải cạnh tranh với các mặt hàng rau, củ quả ở vùng miền khác nên rau an toàn Thạnh Hội vẫn chưa tìm thị trường tiêu thụ lớn nên còn nhiều khó khăn. Rau Thạnh Hội chủ yếu vẫn bán ở các chợ truyền thống trên địa bàn và các địa phương lân cận.
“Mỗi ngày từ 6 giờ sáng, nông dân thong thả ra đồng thu hoạch hoa màu. Thu hoạch xong, nông sản được chở về nhà hoặc để tại ruộng chờ tiểu thương đưa xe đến lấy, trả tiền. Những ngày Covid-19 này, có khi đáp lại sự chờ đợi là sự im lặng… không bình thường của những buổi chiều vốn rộn ràng”, cô Phụng thoáng trầm ngâm. Chỉ tay về đám bạc hà, cô Phụng nói có lúc phải cắt bỏ đi để trồng lại đám mới bởi cái hẹn của thương lái lại… lỡ nhiều ngày rồi.
3. Mặt trời lưng bóng, anh Trương Văn Thanh Giang, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, vẫn đợi chúng tôi sau buổi họp. Không giấu vẻ vui mừng, anh Giang nói diện mạo cù lao Thạnh Hội ngày càng phát triển theo hướng đô thị xanh gắn với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Kinh nghiệm của nhà nông kết hợp với khoa học kỹ thuật đã sớm tạo cho vùng chuyên canh rau củ quả cù lao Thạnh Hội bảo đảm chất lượng, số lượng theo nhu cầu của thị trường. Hiệu quả về kinh tế mới chỉ là một phần nhỏ mà mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại, quan trọng hơn là tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển. “Trong thời gian tới, địa phương nỗ lực gắn sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với việc thúc đẩy kết nối giữa sản xuất với thị trường.
Kỳ vọng, sự tích cực canh tác rau sạch của nông dân sẽ giúp cho xã nhà trong việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau Thạnh Hội thuận lợi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho cộng đồng. Đây là một hướng đi đúng đắn để rau Thạnh Hội có chỗ đứng trên thị trường, xây dựng được thương hiệu, người tiêu dùng tin tưởng, người dân Thạnh Hội có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
TIỂU MY