| 11-04-2012 | 00:00:00

Thực hiện tiêu chí nhưng không lãng phí

Bộ tiêu chí quốc gia về NTM là “thước đo” sự phát triển của một xã nông thôn, phục vụ cho chương trình xây dựng NTM theo mục tiêu tổng quát đã được Chính phủ đặt ra là phát triển nông thôn có quy hoạch, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, cải thiện đời sống vật chất của người dân, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội... Nếu thực hiện được các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn sẽ có bước thay đổi nhảy vọt so với hiện nay, mở ra một viễn cảnh đàng hoàng hơn, đẹp đẽ hơn và sung túc hơn cho các làng quê Việt Nam.

Trong 19 tiêu chí, có chỉ tiêu được tính chung cho cả nước, có chỉ tiêu áp dụng cho các vùng, miền khác nhau. Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ các tiêu chí trong bộ tiêu chí này là điều không dễ và đòi hỏi số tiền đầu tư rất lớn. Theo tính toán, trung bình để đầu tư xây dựng thành công một xã đạt chuẩn NTM cần số tiền từ 120 - 150 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí đầu tư xây dựng NTM có nơi Nhà nước hỗ trợ 100%, có nơi Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, tùy từng vùng và nội dung hỗ trợ. Mặc dù Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã soạn thảo đề án xây dựng NTM cho từng vùng miền khác nhau, với những chỉ tiêu khác nhau, nhưng có những tiêu chí xem ra rất khó thực hiện, hoặc nếu thực hiện đầy đủ thì lại rơi vào tình trạng lãng phí lớn!

Đơn cử như tiêu chí số 5 (trường học), để đạt xã NTM phải có trường mầm non, nhà trẻ đạt chuẩn quốc gia, tức phải có trường mầm non, nhà trẻ với diện tích sử dụng bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ; khuôn viên trường phải có tường bao ngăn cách với bên ngoài bằng gạch, gỗ, kim loại hoặc cây xanh cắt tỉa làm hàng rào; có đủ các phòng chức năng, khối phòng hành chính quản trị, phòng ngủ, phòng ăn, sân chơi, phòng y tế, khu vệ sinh, khu để xe... Đối với tiêu chí số 7 (chợ nông thôn), để đạt xã NTM đòi hỏi phải có chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, tức vị trí xây dựng chợ phải nằm tại trung tâm xã, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa bằng đường bộ hoặc đường thủy; diện tích đất xây dựng chợ phải từ 3.000m2 trở lên, trong đó diện tích xây dựng nhà lồng chợ chính là 40%, diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu là 25%, diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất là 10%...

Khác với các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung, dân số của một xã tại khu vực miền Đông Nam bộ là không nhiều, nếu thực hiện đầy đủ các tiêu chí nói trên sẽ rơi vào tình trạng lãng phí lớn vì không sử dụng hết diện tích đã xây dựng. Kinh nghiệm thực tế từ việc xây dựng trung tâm văn hóa cụm xã trước đây cho thấy, con người là chủ thể làm nên “phần hồn” cho cơ sở vật chất, công trình. Không có “phần hồn” thì cơ sở vật chất chỉ là “cái xác” thối rữa dần theo thời gian. Do vậy, việc hình thành nên một cái chợ, xây dựng một trường học đạt chuẩn cần tính toán “phần hồn” sao cho hợp lý.

Xây dựng NTM là hướng đi đúng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, từ chủ trương đến hiện thực cuộc sống sẽ là một hành trình dài, nhiều thách thức, đòi hỏi những nỗ lực lớn từ nhiều phía là Nhà nước, các bộ ngành, địa phương và chính các hộ dân ở nông thôn. Trong quá trình thực hiện, cần có sự tính toán, điều chỉnh sao cho phù hợp với từng vùng, miền để tránh lãng phí tiền của đầu tư.

Lê Quang

Chia sẻ