| 20-07-2015 | 10:19:25

Trải nghiệm từ những chuyến đi sáng tác

Hàng năm, Hội Văn học Nghệ thuật (VHTN) tỉnh đều tổ chức trại sáng tác cho các chuyên ngành trực thuộc. Năm nay, chuyên ngành văn xuôi - thơ đã có một trại sáng tác tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc thật thú vị và ý nghĩa.

 Các hội viên tham dự trại sáng tác tại Ban Mê - Đắc Lắc. Ảnh: Q.NHƯ

 Đoàn chúng tôi trong chuyến này có hơn 20 người vào một chiều giữa tháng 7 đã đến thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai. Pleiku đón chúng tôi trong cái nắng chiều hanh hao vàng thật ấn tượng. Ai cũng ồ lên phố núi thật đẹp với “em Pleiku má đỏ môi hồng/ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…”. Pleiku là thủ phủ của tỉnh Gia Lai ở vùng Tây nguyên. Đây cũng là thành phố lớn thứ 3 tại Tây nguyên và là đô thị quan trọng nhất của vùng Bắc Tây nguyên. Ông Lê Xuân Hoan, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai, giải thích cho chúng tôi về tên gọi Pleiku: “Plơi” tiếng Jarai nghĩa là “làng”. Còn “Kơdưr” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “hướng Bắc”, nghĩa thứ hai là “trên cao”. Cả hai nghĩa này đều phù hợp với vị trí của Pleiku. Bởi vì ngày xưa vùng đất sinh sống của người Jarai là phía Nam của Pleiku, từ Phú Thiện trở vào. Với nghĩa thứ hai, Pleiku là làng có độ cao hơn so với các làng khác của người Jarai. Như vậy, “Plơi Kơdưr” nghĩa là “làng Bắc” hoặc “làng thượng” (trên cao) đều đúng. Lại có người cho rằng, Pleiku là “làng đuôi”... Với riêng tôi, lần đầu tiên đến với phố núi, nghĩa gì thì Pleiku cũng đẹp, cũng nên thơ và là nguồn cảm hứng sáng tạo cho biết bao thi nhân mặc khách. Đường phố uốn lượn quanh co, đồi thông hiền hòa, những danh lam thắng cảnh như Biển hồ, các kiến trúc tôn giáo đều có nét trầm mặc, u hoài níu chân du khách đến với vùng đất này.

Đến với Đắc Lắc, đoàn chúng tôi lại được tiếp đón ân cần đầy tình thân mến bè bạn của anh chị em ở Hội VHNT tỉnh Đắc Lắc. Có ai đó nói đùa mà như thật rằng, anh em văn nghệ chỉ có cái tình là nhiều nên mọi người nhanh chóng quen thân nhau. Ở Đắc Lắc 2 ngày cũng đủ cho chúng tôi khám phá 2 thiên đường cà phê là Cà phê Trung Nguyên và Mehico - thứ đặc sản quyến luyến, quyến rũ nhất của vùng đất Ban Mê hào sảng và mến khách này. Hồ Lak, bản Đôn... cũng là những nơi chúng tôi đến để thăm thú, để thăm hỏi đời sống của người dân tộc thiểu số Ê-đê, Ba-na ở đây. Những em gái Ê-đê hiền lành, chân chất gùi trái cây vườn nhà như bơ, mãng cầu, chanh... ra bán ngay vệ đường cho khách du lịch. Những đôi mắt to, tròn long lanh trong áo váy thổ cẩm làm nên nét đặc trưng của thiếu nữ nơi này. Là một chủ nhà mến khách, nhà văn Khôi Nguyên, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắc Lắc đã giới thiệu cho chúng tôi những nơi cần đi, cần tìm hiểu để đưa vào tác phẩm của mình.

Đi để thấy đổi thay của đất nước, của những vùng quê hiền hòa, bình dị. Chuyến đi này có hơn 10 nhà thơ của Bình Dương nên ngay trong những ngày ở trại sáng tác, nhiều bài thơ đã ra đời đầy ngẫu hứng, dễ thương. Chị Đỗ Mỹ Loan làm thơ trong khi uống cà phê phố núi buổi sáng: Xòe tay hứng giọt mưa rơi/ Sáng nay phố núi đầy trời mưa giăng/ Nghe trong thoang thoảng đại ngàn/ Lời thơ ai viết rộn ràng sắc thu/ Cảm ơn mấy nẻo sương mù... Chị Mai Lam, Phan Hai và những hội viên mảng văn xuôi khác thì trầm trồ về những đổi mới ở miền đất này.

Còn với riêng tôi, người “lệ thuộc” khá nhiều vào mạng thật thú vị, hạnh phúc khi đến nhiều nơi ở Pleiku từ khách sạn, quán cà phê, quán ăn ven đường thì wifi vẫn luôn để chế độ mở 24/24. Khách khỏi cần hỏi mật khẩu gì ráo trọi. Cái “nợ” còn lại là tác phẩm nộp về Hội VHNT tỉnh sau mỗi chuyến đi.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ