Bảo vật của ba
Giữa
giờ cơm, con thỏ thẻ: “Chiều ba cho con tiền đóng tiền học làm người có ích ba
nhé! Lúc trước một khóa học mỗi chiến sĩ đóng 800 ngàn đồng, bây giờ chỉ còn
350 ngàn đồng, con là cán bộ Đoàn trường được giảm thêm một ít nữa ba à!”. Từ
trước tới nay, mình không bao giờ tính toán hay thắc mắc gì chuyện đóng học phí
cho con học thêm, mặc dù mỗi lần nghe con kêu tới kỳ đóng tiền là cứ giật mình.
Thế nhưng lần này con xin tiền không phải để học thêm toán, lý, hóa mà là học …
làm người có ích. Từ nào tới giờ mới nghe chuyện đóng học phí để học… làm người có ích, vì thế độ giật mình tăng
thêm một cấp. Thế
con sẽ học gì từ lớp học này? Theo như thông báo tuyển sinh thì chương trình
tập trung vào các vấn đề: đạo đức, lối sống của giới trẻ, các thói quen có ích
trong ngày, học về giao tiếp, ứng xử, học để hiểu và có trách nhiệm hơn với gia
đình… “Các khóa học, lớp học không đi vào những chuyện vĩ mô, chung chung mà là
những bài học đơn giản, cụ thể có thể áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày” -
con cho biết. Thôi
thì không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang, mình đồng ý chi thêm một khoản tiền cho
con đi học. Sau khóa học mình nhận thấy con có nhiều thay đổi rất rõ, ngoan
hơn, lễ phép hơn, biết quan tâm đến các thành viên trong gia đình, đặc biệt con
còn viết cho ba mẹ một lá thư với những lời nhận lỗi hết sức chân thành. Nhưng
chỉ sau 2-3 tháng, con lại trở về con người trước đây. Vẫn hay tị nạnh công
việc với em. Thỉnh thoảng cứ vô tâm với các thành viên trong gia đình làm mọi
người buồn lòng. Đôi khi lười biếng, xao nhãng việc học khiến mình hết sức lo
lắng. Sao
bọn trẻ bây giờ khó hiểu thế nhỉ? Ngày xưa, mình và đám bạn có học làm người có
ích đâu mà có mấy ai hư? Không biết ngày nay môn Giáo dục công dân dạy cho học
sinh điều gì? Hỏi đi rồi hỏi lại: Thế mình đã dạy những gì cho con để con thành
người có ích? Ngồi
buồn nhìn lên vách nhà, bỗng nhớ cây roi mây của ba ngày xưa. Hồi đó, mỗi lần
anh em trong nhà cãi nhau là “ăn” roi mây, đi chơi chọc phá bị hàng xóm mắng
vốn vừa về tới nhà là “ăn” roi mây. Nói chung, hở một tí là “ăn” roi mây. Ngày
ba mất, thứ quý giá nhất ba để lại là cây roi mây. Thú thật, mặc dù ba không
còn nhưng mãi đến tận sau này, đôi khi phạm phải lỗi lầm bỗng sực nhớ đến cây
roi của ba mà dặn lòng phải biết tự sửa đổi để hoàn thiện, để vươn lên. Ngẫm
lại, kể từ khi có con rồi nuôi nó tới giờ đã 17 năm, mình chưa một lần sử dụng…
roi mây. Ba ơi, con đã đánh mất bảo vật của ba rồi, sáng mai con sẽ ra chợ tìm
mua…. Hoàng Minh