| 18-04-2012 | 00:00:00

Cần các giải pháp cấp bách để cứu doanh nghiệp

Do chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát ở hai con số, lãi suất ngân hàng cao, sức mua trầm lắng... đã giết chết nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I năm nay có khoảng 2.200 DN giải thể, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước và trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động. Nếu tính cả năm 2011 thì số lượng DN phá sản đã lên đến con số trên 100.000 DN. Việc hàng loạt DN “cáo chung” đã dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường như: Tốc độ tăng GDP giảm sút, hàng vạn lao động rơi vào tình cảnh thất nghiệp, tình hình trật tự xã hội bị đe dọa do số lao động không có việc làm, Nhà nước thất thu nguồn ngân sách rất lớn. Cụ thể như trong năm 2011, có đến gần 80.000 DN tạm dừng nghĩa vụ nộp thuế do không có doanh thu. Còn Tổng cục Thuế thì khẳng định có đến 200.000/600.000 DN không còn thực hiện nghĩa vụ thuế.

Khởi đầu cho tiến trình gục ngã của các DN là do lãi suất ngân hàng quá cao, có lúc lên đến 25 -27%/năm, trong khi đó lợi nhuận làm ra của các DN Việt Nam không quá 20%. Kế tiếp, ngân hàng lại xiết cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Từ đó hàng loạt các sản phẩm từ lĩnh vực này rơi vào tình cảnh khó khăn về đầu ra và dẫn đến hậu quả là nhiều DN phá sản. Như hiệu ứng dây chuyền, DN BĐS gặp khó khăn kéo theo các DN sản xuất vật liệu xây dựng như thép, xi măng, gạch xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh... cũng đang trong tình cảnh khó khăn tương tự.

Không chỉ các ngành liên quan đến BĐS, xây dựng rơi vào khó khăn, mà các ngành khác cũng đang “hấp hối” như ngành chế biến thủy hải sản - một ngành có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến đời sống người dân từ Bắc vào Nam nhưng hiện đã có 20% số DN phá sản do thị trường tiêu thụ khó khăn, DN không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Rồi ngành sản xuất hàng tiêu dùng cũng “gục ngã trên đống tài sản”...

Cứu DN đó là thông điệp mà các chuyên gia kinh tế đặt vấn đề từ vài tháng nay vì nó có liên quan đến vận mệnh của cả nền kinh tế nước ta. Nên chăng, ngay từ bây giờ Chính phủ cần có những giải pháp cấp bách cứu các DN, tạo thanh khoản cho thị trường bằng cách giảm hoặc giãn thuế cho các DN, cân nhắc thận trọng khi đưa ra khoản phí không cần thiết ở thời điểm khó khăn như hiện nay. Nếu Nhà nước giảm thu, DN vượt qua khó khăn thì sau này nguồn thu sẽ được củng cố, tăng cường, giúp tạo được nguồn thu lớn trong tương lai.

MINH DÂN

Chia sẻ