| 17-04-2012 | 00:00:00

Thuốc cần đủ liều!

Sự kiện thịt heo có sử dụng chất cấm tạo nạc beta - agonist, phổ biến nhất là pha trộn vào thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua đã không chỉ làm cho thị trường thịt heo trầm lắng, tâm lý người tiêu dùng hoang mang mà giới chăn nuôi cũng điêu đứng. Nói chung, gánh chịu thiệt hại lần này đều có đủ cả những người liên quan từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối.

Ở Việt Nam, thịt heo là loại thịt chiếm tỷ lệ tiêu dùng lớn nhất, trong số 4 triệu tấn thịt tiêu thụ mỗi năm thì thịt heo đã chiếm tới 3 triệu tấn. Chính vì vậy, từ trước năm 2000, các chất kích thích tạo nạc được đưa vào sử dụng như một bí quyết để chiếm lĩnh thị trường trong nước. Đến sau năm 2002, khi bị cấm sử dụng beta - agonist, nhiều nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn âm ỉ trà trộn loại chất kích thích này vào các sản phẩm phục vụ chăn nuôi với nhiều tên gọi khác nhau. Việc quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng cũng đã tạo thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị kinh doanh “chất cấm” dễ dàng tuồn hàng từ bên ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) vào trong nước. Nhờ thế, không có gì lạ khi mà chỉ với bình quân 1 muỗng “thần dược” đậm đặc beta - agonist thì thời gian xuất chuồng của heo đã được rút ngắn “thần tốc” xuống còn 3 tháng, trong khi nuôi đúng theo quy trình thường phải mất đến 5 tháng. Những yếu tố này cho thấy việc kinh doanh thịt heo với mục đích kiếm siêu lợi nhuận vẫn không hề được từ bỏ, nó vẫn tiếp diễn dưới hình thức này hay hình thức kia, bất chấp sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng có ra sao.

Mới đây, tại hội thảo “Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất nên tăng cường ngăn chặn chất cấm ngay tại cơ sở chăn nuôi và giết mổ trước khi đưa ra thị trường. Trong đó, giải pháp kiểm tra nước tiểu heo để phát hiện chất cấm được xem là khoa học nhất. Tuy nhiên, giải pháp này lại thiếu tính khả thi, bởi với hơn 7 triệu hộ nuôi heo phân tán khắp cả nước, việc kiểm tra và thử nước tiểu heo là điều không dễ dàng. Ngoài ra, chi phí xét nghiệm khá tốn kém (400.000 đồng/mẫu), quy trình xét nghiệm phải tiến hành 2 lần/con heo nuôi làm cho phương án này... “phá sản”. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu còn lại mà nhiều người trông chờ chính là mạnh tay xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh chất cấm tạo nạc dưới mọi hình thức.

Theo ước tính, hiện nay giá thành của mỗi kg chất tạo nạc dao động từ 20 - 25 triệu đồng và đó cũng là mức phạt tối đa mà người chăn nuôi nhận lãnh nếu bị phát hiện có sử dụng chất cấm. Các chuyên gia ngành chăn nuôi đều cho rằng mức xử lý như vậy là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và sẽ làm việc kinh doanh, sử dụng chất cấm tạo nạc biến tướng dưới nhiều hình thức khác khó lường, thậm chí có thể tạm lắng rồi sẽ bùng phát trở lại như những lần trước đây. Nói cách khác, cần phải tăng liều “thuốc” đặc trị “căn bệnh” sử dụng chất kích thích vào chăn nuôi đã ngấm ngầm từ nhiều năm qua mà chăn nuôi heo là một điển hình; cần nghiên cứu đưa ra xử lý hình sự đối với những trường hợp sử dụng chất cấm tạo nạc, bởi đây không chỉ là trục lợi từ kinh doanh thực phẩm bẩn mà còn đồng nghĩa với tội hủy hoại tính mạng con người.

Mạnh tay, kiên quyết đối với các trường hợp sử dụng chất cấm, chất kích thích cũng chính là góp phần vực dậy ngành chăn nuôi heo đang lao đao, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà chăn nuôi chân chính có môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh hơn.

 Q.MINH

Chia sẻ