| 13-04-2012 | 00:00:00

Kỳ vọng trong khó khăn!

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều lâm vào tình cảnh khốn khó. Hàng sản xuất ra chất đống trong kho, thu hẹp sản xuất, công nhân tạm nghỉ việc để... chờ. Tất cả đó là thực tế mà không dễ gì tháo gỡ trong giai đoạn hiện tại. Cũng vì lẽ đó mà đồng loạt hiệp hội của hơn một chục ngành nghề đã kiến nghị lên Chính phủ cần được giãn nợ, giảm thuế để cứu DN. Không chỉ kiến nghị với Chính phủ, đại diện các hiệp hội còn cho biết sẽ gửi kiến nghị lên Ủy ban Thương vụ Quốc hội với sự kỳ vọng sẽ có các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Từ nhiều tháng nay, DN lâm vào cảnh khó khăn đã được đề cập nhiều và nguyên nhân “đẩy” DN vào thế kẹt hầu như chủ yếu vẫn là lãi suất ngân hàng quá cao cùng với sự thắt chặt cho vay đối với bất động sản. Sự khó khăn đã dồn nén gần như quá sức chịu đựng của DN và sự “lên tiếng” của các hiệp hội ngành hàng như vừa nêu có thể hơi muộn nhưng vẫn là một sự kỳ vọng không riêng gì cho các DN, đó có thể coi là sự kỳ vọng cho cả nền kinh tế đất nước. Và nói như Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam rằng “chỉ riêng việc lo trả nợ cho ngân hàng đã khiến nhiều DN không còn sức để sáng tạo nữa” và “cứu DN cũng là để thực hiện an sinh xã hội”.

Kiến nghị giãn nợ, giảm thuế chỉ mới là một kênh kỳ vọng. Gần như cùng lúc với những kiến nghị nêu trên, tại Hà Nội đích thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chủ trì một cuộc họp báo để công bố một số chính sách mới để khơi thông dòng vốn giá rẻ cho DN sau một thời gian thắt chặt. Trong đó đáng chú ý là việc hạ lãi suất huy động xuống 12%/năm nhằm hạ lãi suất cho vay để “cứu” DN, đồng thời “mở van” tín dụng cho bất động sản. Những thông tin được khẳng định rất chắc chắn từ người đứng đầu ngành ngân hàng đã thực sự như một “luồng gió mát” phá tan sự ngột ngạt lâu nay mà nhiều DN phải chịu đựng và kế theo đó là người tiêu dùng chịu sự ảnh hưởng chung không dễ thở cho lắm!

Giãm lãi suất huy động và như lời ông Bình cho biết, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 13 - 16%, thậm chí thấp hơn, lại là điều rất đáng để trông chờ đối với các đối tượng cần vốn, đặc biệt là các DN đang “đói” vốn giá rẻ thực sự. Kỳ vọng, đó là điều đương nhiên, nhưng thời gian để những chính sách trên đi vào thực tế xem ra hơi chậm. Và lần này nếu Ngân hàng Nhà nước không kiểm soát chặt chẽ hơn thì e rằng chậm vẫn hoàn chậm. Bởi thực tế càng kéo dài lãi suất cao, DN nào “chết cứ chết” chứ các DN ngân hàng thì lợi nhuận “cao như núi”. Bởi vậy, chia sẻ khó khăn với các DN là việc mà gần như bắt buộc các ngân hàng phải thấu hiểu. Kỳ vọng vậy, nhưng cũng phải chờ xem sao!

* CẢNH HƯỞNG

 

Chia sẻ