Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Môn lịch sử giáo dục HS truyền thống, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…”, vậy thì tại sao HS không yêu thích môn học này?
Không phải do kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cho phép HS chọn môn thi mới “lộ” ra HS không yêu thích môn sử, mà trong các kỳ thi đại học số thí sinh chọn khối C ngày càng thấp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể do xã hội ngày nay có những ngành được cho là “hot”, dễ hái ra tiền, nên HS đua nhau chọn những ngành này. Trong khi đó các ngành xã hội không được các em ưa chuộng vì thu nhập thấp. Từ những lý do trên mà HS chọn các môn ở khối A, B, số HS chọn khối C là: Văn, sử, địa ngày càng thưa thớt. Mặt khác, việc HS chọn ngành gì, môn học nào còn do sự tác động từ phía phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ đã định hướng con đường tương lai cho con em và buộc các em phải đi theo con đường đó.
HS ngày nay ngán học môn sử thì có rất nhiều lý do. Trước tiên là do môn này khô khan, nhiều số liệu. Ngay cả những GV dạy môn sử cũng cho rằng, nhiều bài học trong sách giáo khoa có dung lượng kiến thức nặng, dàn trải, khô cứng, những diễn biến chi tiết phức tạp. Mấy năm nay, Bộ GD-ĐT đã kêu gọi các nhà giáo đổi mới phương pháp dạy theo hướng lấy HS làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS. Trong khi đó chương trình nặng nề, số tiết trong mỗi tuần thì ít, nên GV phải chạy đua để theo kịp chương trình. Chưa kể, trong đội ngũ GV có người chưa thực sự đổi mới, vẫn còn nặng cách dạy đọc - chép. Với cách dạy một chiều như vậy làm sao gây hứng thú cho HS.
Làm sao để biến giờ sử khô khan thành một giờ học hấp dẫn, khiến HS yêu thích môn học này là trăn trở không chỉ của GV môn sử. Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng, để HS yêu thích môn sử thì chương trình sách giáo khoa cần nhẹ nhàng. Bộ từng có chủ trương giảm tải chương trình, nhưng thực tế sách giáo khoa ở một số khối lớp vẫn còn tăng thêm số lượng trang. Đổi mới cách ra đề thi môn sử cũng đang được bàn đến nhằm góp phần giúp các em thích môn học vốn khô khan này. Điều quan trọng cuối cùng, để dạy sử lôi cuốn đòi hỏi người thầy phải vừa giỏi kiến thức chuyên môn vừa có nghiệp vụ, phương pháp tốt. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng đồ dùng dạy học vào tiết dạy; tổ chức nhiều hoạt động thực tế, giảng dạy trên mô hình, trực quan, giúp HS có thể trải nghiệm là nhà sử học nhỏ tuổi… sẽ góp phần tạo niềm say mê, hứng thú học tập cho HS.
DÂN THƯỜNG