| 20-08-2012 | 00:00:00

Giá thuốc đang bị thao túng?

Việc đấu thầu thuốc phục vụ bệnh nhân diện bảo hiểm y tế vào các bệnh viện công tại TP.Hồ Chí Minh đang gây bức xúc dư luận. Một loại thuốc cùng hàm lượng, cùng xuất xứ nhưng giá lại chênh nhau khá lớn. Tình trạng trên đã xảy ra nhiều năm nay, chênh lệch giá cùng một loại thuốc có thể lên đến 5 - 7 lần. Tất nhiên, vì thuốc phục vụ bệnh nhân có bảo hiểm y tế nên giá thuốc được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, nhưng rõ ràng giá thuốc mỗi nơi mỗi giá đã buộc cơ quan bảo hiểm xã hội phải lên tiếng vì sự bất hợp lý này. Không những thế, đây còn là nguyên nhân làm giá thuốc bên ngoài bị đẩy lên cao.

Nói về giá thuốc, đại diện một công ty dược phẩm tại TP.Hồ Chí Minh lập luận, việc đòi hỏi giá thuốc trúng thầu vào các bệnh viện công phải như nhau là không thể, vì việc đấu thầu thực hiện riêng lẻ, bảo đảm nguyên tắc bí mật. Tuy nhiên việc giá chênh lệch nhau quá lớn thì cần phải xem lại. Và, việc đấu thầu riêng lẻ ở từng bệnh viện hiện đang làm dễ nảy sinh tiêu cực và không khỏi dẫn đến việc chênh giá nhau một trời một vực.

Thông tư số 50 liên tịch Bộ Y tế - Tài chính - Công Thương hướng dẫn quản lý giá thuốc vừa ban hành đã quy định rõ hơn để chống kê khai khống giá thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia về giá cho rằng, phương pháp mà liên bộ Y tế - Tài chính - Công Thương quy định để quản lý giá thuốc là không đúng với bản chất của việc quản lý hàng hóa trong cơ chế thị trường. Cốt lõi của vấn đề là phải phân nhóm rồi đưa ra giá trần cho từng nhóm thuốc. Việc Bộ Y tế cho rằng không thể phân nhóm thuốc vì thị trường thuốc có quá nhiều mặt hàng là không thuyết phục. Cũng vì vậy mà giá thuốc đang “nhảy múa” khó kiểm soát.

Thông tin mới nhất cho biết, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đề nghị kiểm tra tình hình giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện công tại địa phương này. Đồng thời yêu cầu chấn chỉnh và xử lý vi phạm nếu có. Động thái này được xem là kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên, dư luận vẫn đòi hỏi Bộ Y tế cần có những giải pháp căn cơ hơn để khống chế giá thuốc theo mặt bằng chung, nếu có chênh lệch thì cũng ở mức cho phép.

Thuốc được xem là “cứu cánh” của người bệnh. Thế nhưng không phải đến bây giờ người ta mới “than vãn” về giá thuốc. Giá thuốc đấu thầu trong bệnh viện công đã vậy, còn ở bên ngoài thì khỏi phải nói. Đánh vào tâm lý người bệnh, các tiệm thuốc tây thường kê giá vô tội vạ. “Hét” giá nào thì người bệnh cũng phải móc hầu bao mà trả. Có ai đi mua thuốc mà trả giá bao giờ!? Thật thương cảm cho người bệnh nghèo. Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi và mong chờ sự trả lời thỏa đáng: Ai quản lý giá thuốc? Làm sao để giá thuốc không bị thao túng?

NHẬT HUY

Chia sẻ