Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Huyện Bắc Tân Uyên có sông Đồng Nai, sông Bé bao quanh, địa hình đồi trũng nhấp nhô nghiêng về khu vực sông tạo nên cảnh quan xanh mát, thổ nhưỡng rất thích hợp với các loại cây ăn trái có múi. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Hồ Đá Bàn - một trong những lợi thế để huyện Bắc Tân Uyên khai thác du lịch
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Huyện Bắc Tân Uyên là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi với tổng diện tích 2.451 ha. Nơi đây có hệ thống các trang trại vườn cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP, đa dạng các sản phẩm trái cây đặc trưng như cam, quýt, bưởi, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Mỹ, Lạc An, Hiếu Liêm, Tân Định, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, toàn huyện có 6 di tích, trong đó có 2 di tích được công nhận cấp quốc gia (di tích khảo cổ Dốc Chùa xã Tân Mỹ, di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Đ xã Đất Cuốc) và 4 di tích được công nhận cấp tỉnh (Mộ cổ Đức ông Trần Thượng Xuyên xã Tân Mỹ, Miếu Bà xã Đất Cuốc, Khu căn cứ Bàu Gốc xã Bình Mỹ, Khu di tích chiến thắng Bông Trang Nhà Đỏ, thị trấn Tân Bình). Ngoài ra, còn có Khu tưởng niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ tại xã Thường Tân.
Tại xã Đất Cuốc có hồ Đá Bàn gắn với Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ với diện tích khoảng 30 ha ngay sát bên bờ hồ. Hồ Đá Bàn rộng khoảng 100 ha, có cảnh quan đẹp, nước xanh mát quanh năm, được định hướng phát triển du lịch sinh thái. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Cuốc, cho biết: “Trên địa bàn xã Đất Cuốc có khu di tích Chiến khu Đ, khu tưởng niệm Tiểu đoàn Đặc công 28, hồ Đá Bàn, miếu Bà... những nơi này là tiềm năng và lợi thế để địa phương khai thác, phát triển du lịch sinh thái, về nguồn. Hiện nay, vào mỗi ngày cuối tuần du khách đến hồ Đá Bàn để tham quan, giải trí khá đông. Thời gian tới, địa phương đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư phát triển du lịch, đồng thời phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện quảng bá hình ảnh du lịch địa phương”.
Hiện nay ngành du lịch huyện đang tập trung khai thác các loại hình du lịch như tham quan các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng; du lịch dã ngoại, giáo dục cộng đồng. Mỗi năm, các di tích tiếp nhận nhiều lượt khách đến tham quan. Ngoài ra, loại hình du lịch tâm linh cũng được khai thác với hệ thống các cơ sở tâm linh như chùa Sơn Cổ Tự, chùa Phước Thiện, đình thần Tân Bình, đình thần Tân Tịch…
Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng
Trong những năm qua, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn huyện đã được đầu tư nâng cấp. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm. Đồng thời, huyện thường xuyên duy tu sửa chữa, nâng cấp mở rộng các tuyến đường huyện, xã, hệ thống các tuyến đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển vùng cây ăn trái có múi ở các xã Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ, Lạc An.
Để phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương, huyện Bắc Tân Uyên đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, phối hợp với các sở, ngành hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm. Trên địa bàn huyện có nhiều công trình đã và đang đẩy nhanh tiến độ như đường Vành đai 4 (Thủ Biên - Đất Cuốc); đường từ Tân Thành đến cầu Tam Lập (xã Tân Định) thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; nâng cấp mở rộng đường ĐT746 (đoạn từ ngã ba Tân Thành đi ngã ba Hội Nghĩa và đoạn từ cầu Gõ đến bến đò Hiếu Liêm); cầu Hiếu Liêm nối liền giữa huyện Bắc Tân Uyên và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường phương tiện giao thông vận tải công cộng nhằm đưa đón người lao động ở các khu, cụm công nghiệp, khách du lịch nội tỉnh có nhiều điều kiện tiếp cận đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Được biết, huyện Bắc Tân Uyên đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên quan điểm phát triển du lịch bền vững, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
PHƯƠNG LÊ - PHƯƠNG THANH