| 15-06-2012 | 00:00:00

Lòng trung thực

Xử lý nạn tiêu cực, bệnh thành tích trong thi cử là vấn đề không mới đã huy động sự tham gia hiến kế của nhiều giáo sư, chuyên gia tên tuổi và cộng đồng xã hội, tuy nhiên dường như cứ mỗi mùa thi đi qua là chúng ta lại nghe nhắc đến những sự việc đáng buồn. Không phải hiển nhiên mà dư luận tỏ ra hoài nghi về kết quả đậu tốt nghiệp rất cao ở nhiều địa phương. Cũng không phải vô cớ mà dư luận trở nên ngán ngẩm về kiểu học vẹt, đọc - chép ra rả của không ít học sinh... Tất cả những điều ấy bắt nguồn từ đâu? Tựu trung lại đều do căn bệnh thành tích mà căn nguyên của nó chính là lòng trung thực đã không được thực thi nghiêm túc.

Trong cuộc sống, hàng ngày có rất nhiều những chuyện tưởng chừng như nhỏ nhưng lâu dần đã làm cho tính trung thực của các em nhỏ bị ảnh hưởng. Vượt đèn đỏ, chở ba, vứt rác bừa bãi, vô tư hút thuốc lá ở nơi bị cấm... những cảnh tượng ấy của người lớn, trước hết là từ bậc cha mẹ, làm cho con cái hoài nghi về lòng tự trọng, về tính trung thực, sự tự giác trong chấp hành pháp luật. Chúng diễn ra nhan nhản trước mặt trẻ em, cũng có nghĩa chính người lớn đã thừa nhận rằng, cấm cứ cấm nhưng làm cứ làm. Thế nên, chuyện các em quay cóp, gian lận trong các kỳ thi là điều dễ hiểu. Không ít em dù là học sinh giỏi cũng gian lận, khi bị bắt quả tang thì rơi nước mắt bào chữa: “Em không muốn quay cóp, nhưng buộc phải làm vì nếu không sẽ thua sút bạn bè, không còn là học sinh giỏi ở tốp đầu sẽ bị cha mẹ la mắng...”. Có đau hay không khi nghe những lời tâm sự “trung thực” như thế? Người lớn có hiểu rằng chính họ chứ không ai khác đã vô tình đẩy các em vào guồng, vào những việc làm sai trái, bởi nếu trung thực với kết quả học tập của mình thì các em sẽ “không trung thực” với chỉ tiêu máy móc của cha mẹ!

Tất nhiên, sự gian lận trong thi cử còn có nhiều nguyên nhân khác, trong đó có cách dạy và cách học. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cải tiến việc học và ra đề thi theo hướng tăng nội dung tự luận thì tình trạng quay cóp, gian lận sẽ giảm bớt. Đừng để học sinh phải chăm chăm vào các bài thi nặng tính tái hiện trong khi khối kiến thức khá nhiều khiến các em chịu áp lực, phải học vẹt. Nói cách khác, đừng để các em phải thi theo kiểu đối phó, thi xong lại “trả hết cho thầy”...

Giải quyết vấn nạn tiêu cực, gian lận trong thi cử hẳn còn một chặng đường dài phía trước với rất nhiều việc phải làm. Nhưng trước hết, ngay trong thường nhật, các em nhỏ cần được dạy cách thực thi lòng trung thực một cách nghiêm túc nhất.

 Q.MINH

Chia sẻ