Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian gần đây, những hiện tượng gây sốt để tạo sự chú ý trên các mạng xã hội như tung hình ảnh, video clip nóng, khỏa thân, phát tán tin đồn thất thiệt… ngày càng nở rộ và được không ít bạn trẻ xem đây như một cách để câu like hữu hiệu, áp dụng thường xuyên. Và cũng vì mục đích tạo sự chú ý, thu hút nhiều người xem mà chủ nhân nhiều trang mạng xã hội còn bất chấp dư luận, không ngần ngại sử dụng các “chiêu trò” thiếu văn hóa, băng hoại đạo đức con người như thu âm cả việc chửi cha mắng mẹ, khoe mẽ các hình ảnh tự thân giết hại súc vật một cách rùng rợn, tự hào với chuyện vừa ra tay động thủ, chém đứt tay một bạn nhậu vì dám xúc phạm mình hay mới đây là dựng cảnh giả chết để lợi dụng lòng thương hại của bạn bè, cộng đồng mạng… Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp lợi dụng sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội để lừa bịp tình cảm và tài sản khác. Đáng nói hơn là sau mỗi lần lừa bịp hoặc câu like thành công với các chiêu trò thiếu văn hóa, chủ nhân nhiều trang mạng còn tỏ ra vui sướng với “thành quả” đạt được và không ngừng tìm tòi, chuyền tay chia sẻ kinh nghiệm các chiêu trò khác, mới mẻ hơn.
Bản thân mạng xã hội không phải tiêu cực, cho nên vấn đề bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của người sử dụng cũng như tham gia nó cần đặt ra và có giải pháp thỏa đáng. “Bị” xem là thế giới ảo, cho nên hầu như thái độ và cách hành xử của những người có liên quan trên mạng xã hội cũng bị coi là “ảo”, xem thường, thậm chí là thách thức với một số trường hợp vì việc tìm ra chứng lý thuyết phục để xử lý trước pháp luật là cả một vấn đề, ngoài ra việc tẩy xóa dấu vết trên mạng xã hội là điều có thể tiến hành cực kỳ dễ dàng và nhanh chóng. Chính những lý do này, cộng thêm trào lưu tranh nhau câu like, tạo scandal để thu hút người xem, trở thành “người nổi tiếng” trên mạng đã dẫn đến tâm lý dễ dãi, xuống cấp về đạo đức của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ ngày nay.
Vẫn biết rằng vẫn có nhiều trang mạng xã hội được thành lập và hoạt động một cách có trách nhiệm từ những người chủ của chúng, nhưng xem ra với trào lưu tranh nhau câu like bằng mọi giá để tạo sự thu hút như hiện nay, thì vấn đề đạo đức cũng như tinh thần trách nhiệm đối với những người chủ trang mạng xã hội vẫn cần được nhắc đến thường xuyên hơn để cảnh báo. Bên cạnh quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trên internet, thì tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm với thông tin, trách nhiệm với cộng đồng xã hội với trước hết là tư cách của một công dân, thiết nghĩ là điều mà bất cứ cá nhân nào cũng nên xác định rõ để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Q.MINH