| 20-06-2012 | 00:00:00

Người lao động phải sống được từ lương

Chiều 18-6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 luật và 1 bộ luật, trong đó Bộ luật Lao động (sửa đổi) được nhiều người quan tâm. Một số nội dung thay đổi đáng chú ý trong bộ luật này, đó là quy định về thời giờ làm thêm và thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ và tiền lương tối thiểu.Theo đó, thời gian làm thêm giờ của người lao động (NLĐ) không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm. Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, luật quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Có thể nói, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua đã cơ bản đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ lao động, bảo đảm hài hòa quyền lợi cho cả chủ sử dụng và NLĐ.Một nội dung trọng tâm khác trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này được nhiều người quan tâm là vấn đề tiền lương tối thiểu. Theo đó, tiền lương của NLĐ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ với chủ sử dụng nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Lương tối thiểu được xác định theo 4 vùng, căn cứ vào những cơ sở được xác định trong luật, trong đó bao gồm điều kiện kinh tế - xã hội, giá cả tiêu dùng. Bộ luật cũng quy định về thỏa ước lao động tập thể ngành, theo đó, mức lương tối thiểu trong thỏa ước lao động tập thể ngành cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố.Về chế độ tiền lương, nhiều ý kiến cho rằng, chế độ tiền lương hiện chưa bảo đảm cuộc sống NLĐ, còn tồn tại bất bình đẳng. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Lao động - Tiền lương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các mức lương tối thiểu hiện nay vẫn còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Mục tiêu của cải cách tiền lương là phải tiến tới bảo đảm cho NLĐ sống được bằng tiền lương và tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được các nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình. Nhìn lại chính sách tiền lương cho thấy nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước cũng như nhu cầu của NLĐ. Chính sách tiền lương hiện hành cho thấy có sự bất cập khi chúng ta thực hiện 2 loại lương tối thiểu khác nhau ở khu vực Nhà nước và khu vực doanh nghiệp, tạo ra sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ khác với cán bộ, công chức Nhà nước. Điều này chưa phù hợp với các nguyên tắc xây dựng tiền lương tối thiểu. Vì vậy, trong các giải pháp cải cách tiền lương phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố hoặc chỉ có lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp làm cơ sở để người sử dụng lao động và NLĐ thỏa thuận tiền lương. Đối với khu vực Nhà nước thì nên xây dựng mức tiền lương cơ bản tương ứng mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức. NHẬT HUY
Chia sẻ