| 17-07-2012 | 00:00:00

Tháng 7, nghĩ về những người lính đảo...

Năm trước, khi đọc trang phóng sự ghi lại hình ảnh tại một buổi lễ giao quân, mắt tôi bỗng rưng rưng khi nhìn thấy một người mẹ ở huyện Tân Uyên cầm khăn lau nước mắt lúc tiễn con mình ra đảo để thi hành nghĩa vụ quân sự. Có lẽ, đây là lần đầu tiên rời gia đình đi xa trong một khoảng thời gian dài để làm nghĩa vụ của người thanh niên, chàng trai ấy đã bùi ngùi, bịn rịn khi chia tay người thân... Nhìn cảnh đó, tôi đã thầm mong sao cho người thanh niên ấy chân cứng đá mềm, vững vàng vượt qua gian khổ để làm tròn trách nhiệm bảo vệ vùng biển quê hương...

Mới đây, đọc thông tin trên một tờ báo nói về những chị em là vợ của lính đảo Trường Sa càng thấy cảm thông và trân trọng sự hy sinh, chịu đựng của những người phụ nữ ấy. Có chị đã tâm sự: chồng về phép rồi ra đảo, khi chuẩn bị đồ đạc cho anh, chị đã bỏ sót lại một chiếc áo, chiếc áo ấy được để ở đầu giường, nhờ chiếc áo đó mà vợ có hơi chồng, con có hơi cha và đêm đêm bé đã ôm chiếc áo ấy mà ngủ. Nhớ chồng nhưng chị không có cảm giác vắng anh, vì ngày nào anh cũng điện thoại về nhắc con chuyện học hành, chuyện trường lớp và riêng chị thì chưa bao giờ bỏ qua mục dự báo thời tiết trên tivi để theo dõi tình hình thời tiết trên đảo Trường Sa... Nghe câu chuyện, thương đến nao lòng!

Có không ít người lính đảo đã kể rằng: chắc chẳng có người chồng nào mà vợ mình mang thai lại không muốn xoa bụng vợ và nói chuyện với con, thế nhưng đã có những người lính đảo không có được giây phút đó bởi vì đối với các anh “nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả nhất của người thanh niên là được trực tiếp bảo vệ Tổ quốc dù trong thời chiến cũng như thời bình. Chuyện gia đình riêng tư có thể tạm gác lại...”. Do đó, những chị em có chồng là lính đảo thường phải vừa làm mẹ, vừa làm cha để gánh vác gia đình, nuôi dạy con cái. Và hình như để bù đắp cho sự nỗ lực đó những đứa con của các cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, Hoàng Sa rất ngoan ngoãn, học hành giỏi giang.

Tháng 7, tháng tri ân những người đã có nhiều đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay - chợt nhớ về những người lính đảo cùng những người vợ của họ và hiểu thêm rằng: để ta được an tâm làm việc, học hành, lao động sáng tạo ở hậu phương... thì rất nhiều thế hệ những người lính đảo phải ngày đêm đạp sóng, đội gió, chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, xa người thân, xa gia đình, xa những tiện nghi của đô thị để bảo vệ vùng biển giàu đẹp của quê hương, có không ít người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, trở thành anh hùng, liệt sĩ. Và những người vợ, những đứa con của họ dù luôn thiếu vắng nụ cười, hơi ấm, sự bảo ban, gánh vác gia đình của chồng, cha mình... nhưng họ vẫn vững vàng, vui sống.

Được biết nhiều năm nay, mỗi năm quân chủng hải quân đều tổ chức đưa thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ ở đảo, dù mỗi chuyến đi thăm chỉ vài ngày nhưng đó là niềm hạnh phúc lớn lao của những người lính đảo cũng như “hậu phương” của họ. Không chỉ vậy, nhiều phong trào, cuộc vận động khác đã và đang được phát động như: “Góp đá xây Trường Sa”, “Tấm lưới nghĩa tình cho Trường Sa, Hoàng Sa”, nhằm hướng về quân và dân trên các vùng đảo yêu thương này, để khoảng cách giữa đất liền và đảo xa ngày càng ngắn lại. Dù vậy, tất cả hình như vẫn chưa là gì so với sự hy sinh của những người lính đảo. Xin cảm ơn những người lính đảo và cả những người vợ luôn chịu thương, chịu khó của các anh. Trước sự hy sinh cao cả ấy, ta hãy tự nhắc nhở mình: sống có trách nhiệm hơn, học hành, công tác tốt hơn...

VÕ HƯƠNG

Chia sẻ