| 18-12-2015 | 09:06:34

Tham gia bảo hiểm y tế: Giải pháp điều trị bền vững cho người nhiễm HIV/AIDS

Hiện nay, 100% thuốc kháng vi rút (ARV) để điều trị cho bệnh nhân HIV ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng do Quỹ toàn cầu, Quỹ Clinton hoặc chương trình PEPFAR tài trợ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, số thuốc này sẽ bị cắt giảm. Trước thực trạng đó, bảo hiểm y tế (BHYT) được xác định sẽ là nguồn bảo đảm cho bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận thuốc ARV một cách bền vững, giúp người bị nhiễm HIV giảm bớt chi phí trong điều trị.

Bệnh nhân chờ đến lượt khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 Lợi ích lâu dài

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Bình Dương, toàn tỉnh có khoảng 4.695 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó 1.895 người đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Ngoài tác dụng giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, điều trị bằng thuốc ARV còn là một biện pháp dự phòng hiệu quả, giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.

Bác sĩ Vương Thế Linh, Trưởng khoa Điều trị thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS tỉnh cho biết: “Hiện nay các chi phí điều trị bệnh nhân HIV/AIDS chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của Quỹ toàn cầu và từ Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/ AIDS. Dự kiến đến năm 2017, các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ bị cắt giảm, thay vì được khám và điều trị miễn phí thì những người nhiễm HIV/ AIDS sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Đồng thời, khi bị nhiễm HIV, người bệnh có nguy cơ cao bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tuy nhiên khả năng thanh toán các chi phí liên quan đến điều trị là rất khó khăn vì nhiễm HIV/AIDS phải điều trị lâu dài và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội nên chi phí dành cho điều trị càng tăng mà người nhiễm chủ yếu là đối tượng lao động tự do, thu nhập không ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn”.

Thông tư 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế đã mở ra hướng mới trong điều trị HIV/AIDS. Người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật về BHYT. Được quỹ BHYT chi trả các chi phí liên quan đến chẩn đoán, điều trị HIV/ AIDS như các bệnh khác (trừ các khoản chi phí đã được ngân sách Nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác chi trả). Vì vậy, BHYT là giải pháp tài chính bền vững để điều trị lâu dài cho người nhiễm HIV/ AIDS. Đồng thời, khi người nhiễm HIV phải bỏ chi phí mua BHYT, chi trả một phần viện phí sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị, sẽ giảm được nguy cơ nhờn thuốc và cũng tránh cho người bệnh không phải chuyển sang phác đồ điều trị cao hơn và tốn kém hơn nhiều.

Vẫn còn nhiều e ngại

Bác sĩ Vương Thế Linh cho biết, trong số những bệnh nhân HIV/AIDS đang được quản lý tại các phòng khám ngoại trú (PKNT) trên địa bàn tỉnh thì có khoảng 367 bệnh nhân có thẻ BHYT. Số lượng này còn thấp so với dự kiến là do đa số người nhiễm HIV e ngại sẽ lộ danh tính khi đăng ký tham gia BHYT. Vì theo quy định, khi đăng ký tham gia BHYT bắt buộc phải có hộ khẩu tại địa phương, khai báo tạm trú tạm vắng. Ngoài ra, phần lớn người nhiễm HIV có điều kiện khó khăn và đang được điều trị miễn phí nên ý thức mua BHYT còn thấp.

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS xác định nhiệm vụ trước mắt là thực hiện tốt việc ràsoát sốlượng người nhiễm HIV/AIDS chưa được cấp thẻBHYT; tăng cường công tác truyền thông để người nhiễm HIV/AIDS nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT trong khám và điều trị bệnh; giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng với những người nhiễm HIV/ AIDS, để người nhiễm HIV/ AIDS không sợ bộc lộ danh tính đăng ký tham gia BHYT đểđược hưởng các chính sách hỗ trợhiện cótại tỉnh.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần cóchính sách hỗ trợđối với những người cóhoàn cảnh khókhăn không cókhảnăng tựmua thẻBHYT để người nhiễm được hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, nâng cao chất lượng sống, giảm lây nhiễm HIV/ AIDS trong cộng đồng.

TỐNG NAM

 

Chia sẻ
Tags
HIV/AIDS